Nhận định Vương_Mãng

Bạch Cư Dị đời nhà Đường có bài thơ Phóng ngôn ngũ đạo tính tự như sau:[43]

Chu công khủng cụ lưu ngôn nhậtVương Mãng khiêm cung hạ sĩ thìGiả sử đương niên thân tiện vôNhất sinh chân ngụy hữu thuỳ chi

Bản dịch của Phan Kế Bính trong Tam quốc diễn nghĩa:

Chu Công giữa lúc bị gièm pha,Vương Mãng trong khi tôn kẻ sĩ,Giá phỏng bấy giờ đều chết cảCòn ai biết được chính hay tà?

Các ý kiến của giới sử học Trung Quốc hiện đại về Vương Mãng còn chưa hoàn toàn thống nhất.

Lâm Kiến Anh có ý kiến thống nhất với quan điểm trên của Bạch Cư Dị[44]:

"Những cải cách của Vương Mãng chỉ nhằm củng cố chế độ thống trị của mình, chèn ép bóc lột nhân dân lao động nhằm thoả mãn tham vọng cá nhân… Thất bại liên tiếp trong cải cách kinh tế - xã hội đã bóc dần chiếc mặt nạ chính nhân quân tử của Vương Mãng, để lộ ra chân diện mục của kẻ tham lam vô bờ bến

Kết cục của Vương Mãng là một trong những kết cục bi thảm nhất của một vị hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa. Giá như Vương Mãng chết sớm vài năm thì có lẽ với dân chúng Trung Hoa, ông vẫn là một chính nhân quân tử, để lại tiếng thơm cho đời sau. Bởi khi ấy một đời chân giả của Mãng ai có được biết."

Ý kiến của Tiêu Lê cho rằng Vương Mãng cải cách toàn bộ, bằng những lời lẽ phỉnh phờ lừa dối nhân dân, lừa dối lịch sử và cuối cùng bị lịch sử trừng phạt[45].

Theo Cát Kiếm Hùng[15]:

Nếu Vương Mãng thành công thì ngày hôm nay chúng ta xem lịch sử không phải như thế này, mà ông sẽ là một "Thái Tổ Cao hoàng đế" của một vương triều mới, nội dung phần "Bản kỷ" của ông chắc chắn sẽ phong phú hơn Lưu Tú, Tào Tháo, Tào Phi và chắc chắn sẽ gây xúc động lòng người hơn Lưu Bang. Nhưng sự thật thì ông đã thất bại.

Nếu Vương Mãng chỉ nhằm vào việc tranh đoạt quyền lực, chỉ nhằm vào việc giành ngôi hoàng đế, thì chưa chắc ông đã không thành công… Nhưng Vương Mãng chẳng những muốn làm hoàng đế mà còn muốn làm một nhà cải cách, muốn làm một thánh quân. Chính vì mục tiêu thoát ly hiện thực đó đã đưa ông đến một kết thúc bi kịch.

Có ý kiến cho rằng Vương Mãng chỉ mượn danh "phục cổ" để đoạt ngôi hoàng đế. Nhưng… đúng là Vương Mãng muốn thành tâm phục cổ… Chỉ vì ông không biết hoặc cơ bản không nghĩ rằng xã hội đó chẳng qua là lý tưởng của Nho gia và chưa bao giờ thành hiện thực. Nếu việc phục cổ của Vương Mãng chỉ nhằm đoạt quyền lực thì sau khi giành ngôi báu, ông đã thay đổi hẳn những chủ trương đó. Thực tế cho thấy ông tiếp tục cải cách mạnh mẽ sau khi trở thành hoàng đế. Những hoàng đế khác thường trước khi lên ngôi nêu ra những cương lĩnh chính trị hay, nhưng sau khi lên ngôi rồi thì lại trở về với chủ nghĩa hiện thực. Vương Mãng thì trái lại, sau khi lên ngôi vẫn rất nhiệt tình tiến hành cải cách theo quan điểm phục cổ một cách ngoan cường mà cũng chính vì vậy mà ông đi vào tuyệt lộ.

Trong việc cải cách, Vương Mãng xuất phát từ những logic của mình, đề ra những yêu cầu không phù hợp với thực tế và cao hơn cả quy định của pháp luật. Trên thực tế những mục tiêu đó không thể làm được, cho nên chỉ có thể tự dối mình và dối người khác. Mặt khác, những việc làm của ông buộc bầy tôi noi theo, nhưng những yêu cầu cao như vậy khiến mọi người không đáp ứng nổi…[46]

Người dân trong lúc chưa thoát khỏi cảnh cùng cực cuối thời Tây Hán lại bị những xáo trộn, bất tiện của đời sống mới và thực tế cuộc sống của họ dưới triều đại mới không được cải thiện. Cộng thêm nạn bắt lính, lấy phu dịch để gây chiến với các dân tộc ngoại bang như Hung Nô, Cao Cấu Ly khiến mâu thuẫn giữa nhân dân với triều đình mới lên thay nhà Hán đã tồn tại hơn 200 năm lên đến đỉnh điểm.

Cát Kiếm Hùng cho rằng: Vương Mãng đã liên tiếp phạm sai lầm. Sau khi sai lầm trong chính sách đối nội, ông lại sai lầm về chính sách đối ngoại. Nếu không gây hấn với ngoại tộc, Vương Mãng vẫn có thể duy trì hiện trạng và còn cơ hội để tập trung sức lực giải quyết những vấn đề trong nước. Nhưng vì ông đã chủ quan gây ra những cuộc chiến tranh vô nghĩa làm mình phải đương đầu với cả bên trong lẫn bên ngoài[24].

Vương Mãng đã thất bại triệt để, nhưng trong giờ phút chót, khi đã biết chắc không thoát khỏi cái chết, vẫn còn hơn 1000 người không bỏ vua chạy mà nguyện chết cùng ông. Điều đó được các sử gia đánh giá là "một tia an ủi đối với ông, và nó cũng hé lộ một chút thông tin chân thực cho hậu thế"[42].